Mô tả
Kim Quỹ Ngọc Hàm Kinh
“Kim Quỹ Ngọc Hàm Kinh” là phần tạp bệnh của sách “Thương hàn tạp bệnh luận” do Trương Trọng Cảnh viết từ thời Đông Hán. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về chẩn trị tạp bệnh theo lý luận biện chứng của y học cổ truyền. Sách có giá trị cao cả về lý luận cũng như ứng dụng lâm sàng và là một trong những sách kinh điển của y học cổ truyền. Tên sách là “Kim quỹ yếu lược phương luận”, trong đó “Kim quỹ” có nghĩa là quan trọng và quý giá, “Yếu lược” có nghĩa là tóm lược. “Kim quỹ yếu lược” cho thấy đây là những nội dung quan trọng chủ yếu và cần thiết về y học cổ truyền được tóm tắt lại.
Lịch sử ra đời lưu lạc và được chỉnh lý của sách có thể chia thành ba giai đoạn. Khoảng đầu thế kỷ thứ ba sau công nguyên, Trương Trọng Cảnh viết xong “Thương hàn tạp bệnh luận”. Sách gồm hai phần “Thương hàn” và “Tạp bệnh”. Toàn sách có mười sáu chương trong đó mười chương nói về thương hàn và sáu chương nói về tạp bệnh. “Kim quỹ” thuộc phần viết về tạp bệnh. Trong thời gian từ Đông Hán đến Tây Tấn do chiến tranh loạn lạc sách bị thất lạc. Tuy đã được Vương Thúc Hoà (Tây Tấn) thu thập và chỉnh lý nhưng người ta vẫn chỉ thấy phần “Thương hàn luận”, gồm mười chương mà không thấy phần tạp bệnh. Và người ta cũng chỉ thấy nêu dẫn chứng về sách trong các tài liệu khác như “Mạch kinh”, “Giả bệnh nguyên hậu luận”, “Thiên kim phương”, “Ngoại đài bí yếu”… Cho đến tận thời Tống Nhân Tông, Học sỹ Ông Lâm mới tìm thấy trong thư viện của gia đình cuốn “Kim quỹ ngọc hàm yếu lược phương”, đây chính là bản tóm lược “Thương hàn tạp bệnh luận” của Trương Trọng Cảnh. Sách gồm có ba phần, phần đầu bàn về thương hàn, phần thứ hai bàn về tạp bệnh, phần thứ ba bàn về phương tễ, bệnh phụ khoa và cách điều trị. Nhưng do là cuốn tóm lược nên “Hoặc có chứng mà không có phương, hoặc có phương mà không có chứng” nên không tránh khỏi “Chữa bệnh không toàn diện”. Vì vậy Lâm Ức và nhiều tác giả khác đã tiến hành hiệu đính theo nguyên tắc: phần đầu sử dụng bản do Vương Thúc Hoà đã hiệu đính tương đối hoàn chỉnh nên giữ nguyên, phần thứ hai viết về tạp bệnh và các bệnh phụ khoa. Nhằm tiện cho ứng dụng lâm sàng lại đem phần viết về phương tễ phân biệt theo các chứng hậu chia thành ba chương. Ngoài ra còn đem các phương thuốc của Trương Trọng Cảnh và các thày thuốc nổi tiếng khác phân loại ở cuối sách. Do là sách tóm lược nên đặt tên sách là: “Kim quỹ yếu lược phương luận”, về sau được gọi tắt là “Kim quỹ yếu lược” hay chỉ đơn giản là “Kim quỹ”.
Sách “Kim quỹ” bàn về tạp bệnh nội khoa là chính, tuy nhiên cũng đề cập đến một số bệnh phụ khoa và ngoại khoa. Toàn sách chia thành ba phần lớn, tổng cộng có hai mươi nhăm chương. Phần đầu từ chương một đến chương mười, phần hai từ chương mười một đến chương mười chín, phần ba từ chương hai mươi đến chương hai mươi nhăm. Chương đầu mang tên “Bệnh tạng phủ kinh lạc trước sau” có tính chất tổng luận, viết về nguyên nhân cơ chế bệnh sinh, dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh …. Do viết theo hình thức hỏi đáp, nêu các nguyên tắc nên chương này có tính chất cương lĩnh cho toàn cuốn sách. Từ chương thứ hai “Bệnh kính thấp yết” đến chương mười bảy “Bệnh nôn oẹ hạ lợi” thuộc bệnh nội khoa. Chương mười tám “Bệnh sang ung tràng ung phù nề” thuộc bệnh ngoại khoa. Chương mười chín “Bệnh phu quyết thủ chỉ tý thũng chuyển cân âm hồ sán ưu trùng” viết về một số hợp bệnh. Chương hai mươi đến chương hai mươi hai chuyên về sản phụ khoa. Ba chương cuối viết về cấm kỵ, chú ý khi dùng thuốc và ăn uống cùng một số nghiệm phương.
Toàn sách đề cập đến hơn sáu mươi loại chứng bệnh mức độ sơ sài hay kỹ càng khác nhau. Trong hai mươi hai chương đầu viết về hơn bốn mươi loại bệnh và hai trăm linh năm bài thuốc. Bốn bài đầu tiên chỉ nêu tên bài thuốc mà không viết rõ từng vị thuốc. Đó là các bài Hạnh tử thang trong chương Bệnh thuỷ khí, bài Hoàng liên phấn trong chương Bệnh sang ung tràng ung phù nề, bài Lê lô Cam thảo thang trong chương Bệnh phu quyết thủ chỉ tý thũng chuyển âm hồ sán ưu trùng và bài Phụ tử thang trong chương Bệnh nữ nhân nhâm thân. Về phương diện điều trị, ngoài dùng thuốc còn sử dụng các phương pháp châm cứu, ẩm thực điều dưỡng và chú trọng điều trị hộ lý. Về cách dùng thuốc ngoài các loại thuốc uống như thuốc thang, thuốc hoàn, thuốc ngâm rượu, thuốc tán… còn dùng các dạng thuốc dùng ngoài như xoa, bôi, dán, ngâm, rửa… Đồng thời trong sách còn kể tương đối tỷ mỷ các phương pháp bào chế, cách uống, tác dụng phụ của bài thuốc.
Đánh giá
There are no reviews yet