Giảm giá!

Thái Ất Thần Kinh – Nguyễn Bỉnh Khiêm

(1 đánh giá của khách hàng)

Original price was: 500.000 ₫.Current price is: 249.000 ₫.

Thái Ất Thần Kinh (Giải Đoán 500 Năm Trước Và 500 Năm Sau)

Tác giả: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Dịch giả: Thái Quang Việt.

Đề đáp: Nguyễn Đoàn Tuân

Thể loại: Phong thủy – Kinh dịch – Nhân tướng học

Xuất bản: 2/2006

NXB: Văn hóa – Dân tộc

Số trang: 696 trang

Đức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ, nhà triết lý, nhà văn hóa vĩ đại. Ông được xếp vào là một trong 3 vị Thánh tiên tri của nhân loại.

“Thái Ất Thần Kinh” là một tác phẩm kỳ thư huyền bí của ông. Đây là một công trình nghiên cứu công phu, vĩ đại. Nó tổng hợp sức mạnh chuẩn xác của triết học toán rút ra từ những luồng vũ trụ. Là nguồn tri thức hữu thể để hiện thực mệnh sống của con người, với môi trường cảm ứng giữa người và trời đất cùng vạn vật.

“Thái Ất Thần Kinh” cung cấp những tri thức để ta hiểu về vũ trụ và con người có luồng thông lưu với nhau trong định luật cảm ứng. Bản thân cơ thể con người là một sinh cơ nhạy bén, quan hệ ba chiều sinh hóa nhiên với vạn vật và vũ trụ.

Mục lục:

Lời mở đầu

Cuốn 1: Tính quẻ ất

Cuốn 2: Gom góp hạt châu ngoài biển

Cuốn 3: Ảnh hưởng các sao lập thuật thái ất

Cuốn 4: Lập thành quẻ ất

Cuốn 5: Thái ất kể ngày

Cuốn 6: Bầu trời thái ất

Cuốn 7: Bí quyết nhân mệnh

Phụ lục: Phần hán văn (cuốn 1 và 2)

Mô tả

Thái Ất Thần Kinh - Nguyễn Bỉnh Khiêm
Thái Ất Thần Kinh – Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tìm hiểu về BỘ SÁCH KỲ BÍ “Thái Ất Thần kinh”

Xưa nay khi nói đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, đa phần ai cũng nhắc đến Sấm ký và bộ Thái Ất Thần kinh. Đồng thời ai cũng bảo Thái Ất Thần kinh là sách do Bảng nhãn Lương Đắc Bằng đem từ Bắc quốc về truyền cho trò yêu. Nhưng cụ thể câu chuyện đó ra sao thì mỗi người kể một kiểu nên nó cũng kỳ bí như chính môn “Dự đoán học”. Với dòng họ Lương bộ sách này liên quan trên nhiều góc độ và tôi cũng từng hiểu như mọi người. Song qua nhiều năm tìm hiểu, nhất là những tháng ngày rảnh việc “chờ hưu” càng tìm kỹ càng ngẫm ra rằng “thế nhưng không phải thế”!. Nhân tháng có ngày “Nhà giáo Việt Nam”, tưởng nhớ cặp Cha-Con thầy giáo (Lương Hay-Lương Đắc Bằng) đào tạo cho đất Việt hai Trạng nguyên xuất chúng (Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm), thử tìm hiểu về hậu trường bộ sách Kỳ bí “Thái Ất Thần kinh”.

1. Bí hiểm của sách “Thái Ất Thần kinh”:

Thái Ất thần kinh 太乙神经 hay Thái Ất là một mô thức thuật số cơ bản trong tam thức (Thái Ất, Độn giáp, Lục nhâm đại độn) của lý số Đông phương, chủ yếu nghiên cứu các tính toán liên quan đến sự hưng vong của các triều đại, các trận pháp ở tầm cỡ chiến lược. Trong đó, Thái Ất thiên về Thiên, nó nghiên cứu sự chuyển động của các tinh tú ảnh hưởng đến Trái Đất, đến con người.

Tương truyền sách này từ rất xưa, lâu lắm rồi, Thái Ất Chân Nhân 太乙真人[1] ban xuống trần thế nếu hiểu được có thể biết thiên cơ, họa phúc cõi trần, nhìn thấu tương lai, thông thiên địa hầu cứu nhân gian. Nếu cuốn sách này vào tay người hiền tài thì có thể bảo hộ và cứu giúp nhân gian tránh được nạn kiếp; còn nếu như rơi vào tay kẻ gian thần thì nhân gian sẽ xẩy ra đại loạn.

Lai lịch bộ sách lưu hành một cách bí ẩn từng có hai giả thuyết:

– “Thái Ất Thần kinh” là bộ sách rất quý, dạy về các môn địa lý, chiêm tinh, chỉ cách xét đoán những việc kiết hung. Có người nói Quốc sư nhà Thục Hán (蜀漢, 221-263) thời Tam Quốc là Gia Cát Lượng (諸葛亮, 181–234) được người đời sau tôn sùng và mến phục tài trí, một phần lớn nhờ nghiên cứu “Thái Ất Thần kinh”. Bộ sách này chỉ có hai bản mà Cụ Lương Ðắc Bằng may mắn có một bản sau truyền lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn một bản nữa ở bên Bắc quốc. Bộ sách này, cũng theo thuyết trên đây, rất khó hiểu nên người đọc kém, không có trí thông minh siêu việt không thể lãnh hội được dù có sách quý trong tay. Đến thời Tống (宋朝, 960-1279), một đạo sĩ rất nổi tiếng là Triệu Nga cũng đã đúc kết kinh nghiệm cổ truyền viết thành sách nhưng chưa có lời giải vì lời giải còn lưu lạc ở một phương khác.

– Nhưng cũng có người cho rằng bộ sách đó không có gì là kỳ diệu và thần bí cả. Đó là sách Thái Huyền của Dương Hùng 楊雄, một danh nho sinh vào khoảng đời Hán Tuyên đế (漢宣帝, 91 -49 tCn) và mất khoảng cuối đời Vương Măng (王莽,45 tCn-23). Dương Hùng thuở nhỏ thông minh, thích học, nhưng ghét lối từ chương, ưa tìm những điển tích sâu xa uyên bác, chuyên nghiên cứu về dịch học. Chính ông đã làm ra sách Thái Huyền để giảng thuyết âm dương vũ trụ, nhưng với lối văn cầu kỳ khó hiểu, nhiều người không phục, cho là lập dị. Sở dĩ bộ “Thái Ất Thần kinh” được xem như loại sách quý là vì người ta muốn quan trọng hóa, thần bí hóa vấn đề.

2. Hình thành “Thái Ất Thần kinh” của người Việt:

Tương truyền rằng trong một lần đi sứ sang Minh quốc (明朝, 1368- 1644), Thượng thư Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (尚書榜眼梁得朋, 1472 – 1516)[2],do cơ duyên gặp người đồng tộc[3] mách bảo, thành ý nên cụ có được bộ “Thái Ất Thần kinh” mang về, nhưng đọc cũng không hiểu mấy. Những năm cuối thời Lê Tương Dực (黎襄翼, 1495 – 1516), nhận thấy dù đem hết tâm sức ra giúp nước cũng không thể vãn hồi được tình thế ông cáo quan về quê Thanh Hóa dạy học. Bởi mến, tin người trò yêu là Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491-1585) có cha hiền lành đức độ[4], người mẹ xinh đẹp thông minh, giỏi tướng số văn thơ[5] và bản thân trò đặc biệt thông minh hơn người nên ông hết lòng truyền thụ kiến thức.

Một hôm, cụ Lương Đức Bằng ốm, biết rằng mình không sống lâu được nữa bèn gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm đến căn dặn:

– Nay thày sắp sửa xa rời các con, thày không có điều gì dặn lại các con chỉ khuyên các con: kẻ ra làm quan thì luôn nhớ ba chữ “thanh, thận, cần”, kẻ về ẩn dạy học thì luôn nhớ bốn chữ “an bần, lạc đạo”.

Nghỉ một lát, cụ Bảng nhãn nói tiếp:

– Thày có chút việc riêng muốn nhờ cậy con: do muộn mằn đến nay thầy mới có con đang còn trong bụng mẹ nó và ta đã dặn nếu sinh con trai đặt tên là Hữu Khánh. Sau này, nhờ con thay thầy mà dạy bảo và dìu dắt nó đi theo con đường ngay. Ðược như vậy, dù thầy có ở suối vàng được mãn nguyện lắm.

Ngừng lời, Lương Đắc Bằng chỉ một cái tráp nhỏ, đặt ở đầu giường rồi bảo Nguyễn Bỉnh Khiêm:

– Con hãy mang tráp đến đây, mở ra lấy một bộ sách mà ta đã gói kỹ vào để sẵn trong ấy.

Nguyễn Bỉnh Khiêm vâng lời, làm theo ý thầy. Cụ Bằng lại bảo tiếp:

– Thầy cho con quyển sách này, vì thầy nghĩ chỉ có con mới có thể hiểu nổi, nhưng con phải hứa với thầy là phải giữ gìn sách cẩn thận, đọc kỹ, khi hiểu mang ra giúp đời, làm việc thiện. Quyển sách này được một dị nhân đồng tộc trao cho trên đường đi sứ sang Minh quốc trở về. Cụ ấy còn dặn ta: Chừng nào trong tâm linh muốn cho ai thì người ấy sẽ được phần. Nay, thầy giao quyển sách này lại cho con, ấy là con có phần.

Người học trò đất Trung Am lạy tạ nhận lời. Khi Lương Đắc Bằng tạ thế[6], Nguyễn Bỉnh Khiêm ở lại chịu tang 3 năm. Sau đó, ông về quê, tự học và đến khoa thi năm Đại Chính thứ 6 (大正六年,Ất Mùi, 1535) ông đi thi đỗ Trạng nguyên 狀元. Làm quan dưới triều Mạc, ông được bổ dụng Tả thị lang bộ Lại 吏部左侍郎,sau thăng Thượng thư 吏部尚書 kiêm Đông các Đại học sĩ 東閣大學士,được phong tước Trình Tuyền Hầu 程璿侯 rồi thăng tới Trình Quốc Công 程國公 và do ông đỗ Trạng nên dân gian gọi là Trạng Trình 狀程.

Lúc rảnh, nhất là sau khi cáo quan về quê năm 1542, nhớ lời thầy, Nguyễn Bỉnh Khiêm mang sách đọc thấy không lĩnh hội được gì mấy, ông bèn mang sách cất đi, thỉnh thoảng lại lấy ra đọc, đọc xong rồi lại cất, cứ như thế mãi. Cho tới một hôm, có một người khách đến cho Nguyễn Bỉnh Khiêm một bài thơ. Ông mở ra xem thì thấy ý tứ bài thơ có phần liên hệ với những câu trong bộ sách của thầy Bằng trao, mà ông đã cất công sức đọc nhiều lần nhưng chưa thông được. Ông hiểu đây là một phần của bộ sách bí ẩn kia và ông đã gộp chúng để nghiền ngẫm.

Nhờ kiến thức từ thầy và mẹ truyền thụ lại thấu hiểu bộ sách này mà về sau Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông lý số, hiểu về quá khứ, đoán được tương lai, thế cuộc. Vì vậy mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa ra lời khuyên hữu ích với Nguyễn Hoàng (阮潢, 1525 – 1613), Trịnh Kiểm (鄭檢, 1503- 1570), con cháu Mạc Mậu Hợp (莫茂洽, 1560-1592) đồng thời viết ra được những lời tiên tri cho hàng trăm năm sau. Những lời tiên tri ấy tập hợp trong tập Sấm Ký Nguyễn Bỉnh Khiêm mà dân gian quen gọi là Sấm Trạng Trình 狀程讖 tiên đoán việc đời sau, gắn với nhiều giai thoại kỳ thú.

Cũng cần nhắc lại là: ngoài việc nghiền ngẫm sách, áp dụng để đưa ra những lời khuyên với các thế lực Nguyễn, Trịnh, Mạc nên đã giữ yên đất nước một thời gian dài, cụ Trạng còn nuôi dạy người con trai duy nhất của ân sư là Lương Hữu Khánh[7] nên người theo đúng ý nguyện của thầy. Đồng thời cũng chính cụ Trạng đã cưu mang một người cháu thầy Bằng là Lương Đắc Cam梁贵公諱甘字三郎 từ Thanh ra, đưa sang lập nghiệp bên xã Lao Chữ 牢渚, tổng Dương Áo 陽襖, huyện Tân Minh 新縣, phủ Nam Sách 南策, trấn Hải Dương 海陽 (nay là thôn Chử Khê, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), lập ra nhiều chi phái họ Lương ở Tiên Lãng, An Lão (thuộc tf Hải Phòng) ngày nay.

Như vậy, từ sách  quý do thầy tin tưởng giao phó, do cơ duyên lại được tiếp thu kiến thức y lý từ người thầy tài năng đức độ và trí thông minh thiên bẩm với kinh nghiệm bản thân, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã soạn ra bộ “Huyền Phạm” và sau này Phạm Đình Hổ (范廷琥, 1768-1840) dựa vào đó soạn ra bộ là “Huyền Phạm tiết yếu”. Theo một số tác giả thì đây là một công trình nghiên cứu công phu. Nó tổng hợp nguyên lý Âm dương, Ngũ hành, Bát quái của Triết học cổ truyền, gộp được các cách khoa dự đoán Kỳ Môn tản mát trong dân gian; nó là sự tổng hợp sức mạnh chuẩn xác của triết học toán rút ra từ vũ trụ, là nguồn tri thức hữu thể để hiện thực mệnh sống của con người với môi trường cảm ứng giữa người và trời đất cùng vạn vật.

Những giá trị đó trong sách của Dương Hùng thời Hán, Triệu Nga thời Tống chưa đạt được. Như vậy phải chăng yếu tố “đem từ Bắc quốc về” chỉ là do đời sau đặt ra để tăng giá trị bộ sách bởi tính “tự ti” của người Việt hồi ấy! Bộ sách ấy do cụ Trạng đất Vĩnh Lại soạn ra, dựa vào quan điểm lý dịch Việt, có tham khảo các sách viết về chủ đề này bên Hán, Tống.  Chính người Trung Hoa đã khen “An Nam lý học hữu Trình Tuyền”!

3. Sách quý ra với công chúng:

Bộ sách này lưu hành bí ẩn trong dân gian, chưa được khắc in nên luôn trong tình trạng “tam sao thất bản”. Sang Thế kỷ XX, do cơ duyên, Nguyễn Ngọc Doãn (1912-1989) với bút hiệu là Thái Quang Việt tiếp cận và dịch ra quốc ngữ năm 1972 gồm 5 cuốn, được Nhà Xuất bản Văn Hoá Dân tộc phát hành với tên gọi Thái Ất Thần kinh ghi tên tác giả là Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 2002, Nhà Xuất bản Văn Hoá Dân tộc cho tái bản sách Thái Ất Thần kinh được sửa chữa, bổ sung thêm những phần thiếu sót.

Sách quý đã tìm thấy (tuy chưa đầy đủ), đã được dịch, đã in và phát hành (có chú dẫn đàng hoàng) nhiều người tìm đọc nhưng mấy ai đã hiểu. Cái tâm lý “đồn thổi” của người Việt làm tăng tính ly kỳ của những lời Tiên tri nhưng làm bí hiểm hơn những gì cụ Trạng để lại. Sinh thời, Trạng Trình cũng thấy Thái Ất thực là khó mà khó nhất trong các môn toán của tiền nhân. Bởi thế cụ có soạn bộ “Du Lỗ” và viết bài tựa về “Ngọc Tướng Huyền Cơ” để giúp riêng những ai kém thông minh vẫn có thể hiểu được. Thời Nguyễn, chỉ có các quan làm việc tại triều đình mới biết và bí mật truyền lại cho con cháu nên nó chỉ là sách chép tay nên càng kỳ bí. 

 

1 đánh giá cho Thái Ất Thần Kinh – Nguyễn Bỉnh Khiêm

  1. Nguyễn Phùng Nhật (xác minh chủ tài khoản)

    (0) (0)

Chỉ những khách hàng đã đăng nhập và mua sản phẩm này mới có thể đưa ra đánh giá.